Người đam mê đi tìm tâm trí khách hàng cho doanh nghiệp

Gặp anh, chúng tôi không nghĩ là anh còn khá trẻ, một người đam mê marketing, nói về marketing và thương hiệu anh nói cả ngày không thôi. Tốt nghiệp Thạc sỹ quản trị kinh doanh, anh làm giám đốc điều hành nhưng Nguyễn Thanh Tân ít khi ngồi yên một chỗ tại văn phòng. Lúc nào anh cũng “lang thang” sang các công ty khác… hoặc tham gia giảng dạy về tiếp thị, thương hiệu. Một ngày của anh thường bắt đầu với những thông tin cập nhật mới nhất của các đối tác. Điều đó cũng khá dễ hiểu, vì anh đang là Giám đốc điều hành BrainMark Vietnam – công ty chuyên về tư vấn tiếp thị, cho thuê marketers và đào tạo về marketing.

Sinh ra ở vùng đất chỉ có nắng và gió của tỉnh Quảng Ngãi, mà theo anh đó là vùng đất nghèo nhất cả nước nhưng thân thương nhất, anh vào Sài Gòn khi nhận được thông báo trúng tuyển vào trường Đại Học Kinh Tế Tp.HCM trong niềm vui ngập tràn căn nhà nhỏ của gia đình anh. Anh kể lại, gia đình nghèo với 5 chị em, vì có mỗi mình anh là con trai lớn nên ba mẹ anh quyết tâm cho anh ăn học, nói vậy chứ tiền không đủ cho sách vở, học phí, một phần anh phải tự lo liệu. Những ngày đầu tiên vào đất Sài Gòn không có một người quen biết, với chiếc xe đạp cọc cạch và chiếc rương cũ, anh đã lang thang suốt ngày trên những con đường Sài Gòn và không biết trú ngụ ở đâu. Thời điểm đó, ký túc xá còn thiếu lắm, thế là những tuần đầu tiên may mà anh xin ở tá túc lại nhà thờ.

Những ngày bén duyên với Marketing

Trước khi tốt nghiệp đại học hai tháng, trong chương trình hội việc làm sinh viên, Công ty Thái Tuấn đến trường tuyển người cho Phòng Marketing và từ đó cái tên Nguyễn Thanh Tân gắn bó với thương hiệu Thái Tuấn. Quá trình phát triển của thương hiệu Thái Tuấn cũng là quá trình Nguyễn Thanh Tân trải nghiệm và “bén duyên” với Marketing. Với sự chừng mực, sâu sắc, anh tự tin rằng mình là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực Marketing cho ngành dệt may thời trang Việt Nam. Những câu chuyện đẹp với Thái Tuấn là của ngày hôm qua. Anh nhớ lại, khi đó đối với nhiều doanh nghiệp trong nước, Marketing còn mới lắm. Ngay cả phòng Marketing của Thái Tuấn ngày đó cũng chưa có gì. “Tôi vào làm việc khi cả Thái Tuấn và tôi đều phải bắt đầu từ cái đầu tiên. Quả thật cũng có chút khó khăn, chúng tôi từng bước học, từng bước làm và đã làm được” – anh chia sẻ. Theo anh, lý thuyết Marketing thì chung, nhưng từng ngành hàng, từng thương hiệu, từng đối tượng khách hàng sẽ có cách hiểu và làm khác nhau. Khi sống với một thương hiệu, Marketer sẽ có sự linh hoạt và áp dụng cụ thể. Đây mới là nơi Marketer thể hiện năng lực riêng. Trong những năm 1990, các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa ý thức được việc đầu tư cho Marketing quan trọng như thế nào. Hầu hết các sản phẩm đưa ra thị trường theo dòng chảy tự nhiên, ít ai nghiên cứu xem người tiêu dùng thích gì. Vì vậy, khi anh triển khai các chương trình marketing được người tiêu dùng rất ủng hộ. Hơn nữa, lúc đó, thị trường hàng dệt may bắt đầu chuyển hướng theo thời trang. Những đội Marketing giỏi sẽ kéo nhu cầu của người tiêu dùng và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp đến gần nhau. Còn với bây giờ, ngày càng nhiều nhãn hiệu mới, các chiêu thức Marketing đã được áp dụng đa dạng, người tiêu dùng được tiếp thị quá nhiều. Đó là thách thức lớn cho các Marketer. Làm sao để chen vào sự ghi nhớ hữu hạn của người tiêu dùng một vị trí tốt và được họ lựa chọn lựa. Lợi thế thuộc về những doanh nghiệp đi đầu và chuyên nghiệp. Nhưng những doanh nghiệp đi sau cũng đừng bi quan, người đi sau cũng có lợi thế riêng. Đó là cơ hội tạo ra sự khác biệt với những người đi trước để tạo ấn tượng cho người tiêu dùng. Năng lực của từng Marketer sẽ tuỳ thuộc vào kinh nghiệm và khả năng ứng biến với thực tiễn, chứ không phải lý thuyết nữa.

Nhiều người hỏi anh sao phải gắn bó lâu dài với một thương hiệu như anh đã từng làm?. Anh trả lời đơn giản là “vì tôi đam mê Marketing, nên tôi có quan điểm khác về sự gắn bó của một Marketer với một thương hiệu”. Theo anh suy cho cùng, xây dựng thương hiệu là bắt đầu từ nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu có thời gian để sống và trải nghiệm với một thương hiệu, hiểu rõ người tiêu dùng, nhu cầu và thay đổi của thị trường, công việc Marketing sẽ sâu và hiệu quả hơn. Nếu thay đổi môi trường làm việc thường xuyên, chỉ theo nhãn hiệu trong một thời gian ngắn, sẽ không đủ để một Marketer nắm bắt hết và tạo ra một quy trình Marketing hiệu quả. Tuy nhiên, sự thay đổi môi trường cũng là điều cần thiết, giúp Marketer thay đổi cảm hứng sáng tạo, vấn đề là đừng thay đổi quá nhanh.

Sáng lập BrainMark Vietnam

Ngày hôm nay của Nguyễn Thanh Tân là một môi trường mới, một thách thức mới ở BrainMark Vietnam – một công ty rất vững chãi bởi kinh nghiệm của những người xây dựng nên nó. BrainMark Vietnam nơi tập hợp của 22 Marketer chuyên nghiệp, đã và đang là người làm nên sức sống của nhiều thương hiệu lớn hoặc đang làm chủ của những doanh nghiệp, thương hiệu của riêng mình. BrainMark Vietnam tham vọng sẽ góp vào lĩnh vực Marketing Việt Nam một địa chỉ tin cậy khi cung cấp cho giới doanh nghiệp một quy trình bài bản từ tư vấn, đào tạo, kiểm soát thực hiện các chiến dịch Marketing và cho thuê Marketer. Vào năm 1999, Nguyễn Thanh Tân có một nhóm bạn thân là những người giám đốc marketing đang làm việc cho các công ty trong và ngoài nước. Họ thường gặp nhau vào cuối tuần để chia sẻ kinh nghiệm làm việc. Thời điểm này, hoạt động tư vấn và đào tạo marketing ở VN chưa được quan tâm, các doanh nghiệp chưa thấy hết vai trò của tư vấn trong hoạt động của doanh nghiệp. “Thời điểm đó, chúng tôi đang làm việc cho các doanh nghiệp khác nhau, nên hơn ai hết chúng tôi hiểu rõ vai trò quan trọng của tư vấn marketing ứng dụng tại Việt Nam”. Thế là mọi việc được phân công triển khai một cách chậm mà chắc cho đến năm 2006, BrainMark chính thức ra đời. Với 22 chuyên gia marketer phần lớn là CEO (giám đốc điều hành) của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tạo thành một nhóm hùng hậu của BrainMark chuyên đi đến các doanh nghiệp để chia sẻ, lắng nghe, từ đó có thể tư vấn và đưa ra các giải pháp tối ưu nhất cho các doanh nghiệp VN, giúp họ bằng những kinh nghiệm thực tế mà chính các chuyên gia đã từng trải qua.

Đối với anh, việc chuyển từ vai trò một giám đốc marketing sang giám đốc tư vấn marketing là bước phát triển về nghề nghiệp. Sau một thời gian dài gắn bó với một môi trường, Nguyễn Thanh Tân thấy mình cần phải thay đổi, phải chuyển sang một thách thức khác. Cho nên, anh đi tìm một khát vọng mới. Anh Tân chia sẻ: “Trước đây, tôi thường đi huấn luyện (training) cho nhân viên trong công ty và nhiều doanh nghiệp khác nên nhận ra vai trò rất lớn của việc truyền đạt kỹ năng. Một đội Marketer giỏi đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Trong khi nhiều doanh nghiệp chưa chú ý đến việc đào tạo kỹ năng cho nhân viên, nên khó hình thành những đội Marketing giỏi. Tôi bỏ ra một thời gian dài, kêu gọi anh em thành lập nhóm chuyên tư vấn ứng dụng và đào tạo kỹ năng Marketing cho các doanh nghiệp VN”. Khi nhận định như vậy Nguyễn Thanh Tân và những cộng sự của mình đã xác định cho mình một sứ mạng rõ ràng là sinh ra để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động marketing chuyên nghiệp, và BrainMark Vietnam đã hoạch định lộ trình phát triển cho mình. Do vậy khi chúng tôi đề cập về triển vọng cho doanh nghiệp của anh, Nguyễn Thanh Tân nói ngay: “Vì hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều mong muốn mình chuyên nghiệp và có chỗ đứng bền vững trong tâm trí khách hàng, do vậy ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này. Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn dịch vụ Marketing ứng dụng và cả cho thuê Marketer chuyên nghiệp, nên đã đáp ứng được nhu cầu sẵn có của doanh nghiệp”.

Khi đến văn phòng BrainMark Vietnam, chúng tôi khá bất ngờ với một văn phòng nhỏ được bày trí gọn gàng. Thắc mắc với những dự án lớn và đội quân hùng hậu mà văn phòng không lớn này liệu có xứng tầm?, anh Tân chia sẻ: Chúng tôi có cách nghĩ khác trong việc điều hành doanh nghiệp, trong thời buổi hiện nay khi mà chúng ta có thể làm việc ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này vẫn điều hành được công việc của mình và nhân viên làm việc cũng không nhất thiết phải đến văn phòng. Quan điểm của BrainMark là nhân viên vẫn có thể làm việc tại nhà hoặc tại các tại quán café,… Vì vậy công ty BrainMark Vietnam có đội ngũ nhân sự tự quyết định thời gian làm việc, hoàn toàn không bị ràng buộc về thời gian, chúng tôi chỉ ràng buộc về quy trình, mục tiêu và hiệu quả công việc. Như vậy không lý do gì phải thuê mướn văn phòng làm việc hoành tráng. Văn phòng công ty của anh Tân được chọn chỉ đủ để các nhân viên thư ký kết nối dự án làm việc. Một điều khác cũng khá thú vị mà anh Tân chia sẽ với chúng tôi là, theo quan điểm của anh, làm công việc tư vấn thường được hiểu nhầm là có nói mà không làm, ở BrainMark công việc tư vấn được hiểu là tư vấn ứng dụng, có nghĩa là cùng thảo luận, cùng làm, cùng chia sẻ với doanh nghiệp. Chính vì quan điểm công việc như vậy, mà mỗi dự án tư vấn của BrainMark, công ty điều cử nhân viên đến ngồi làm việc với doanh nghiệp theo hình thức cho thuê marketer. Một số doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm và chưa hình thành được đội ngũ Marketing riêng, phần lớn đều sử dụng dịch vụ thuê Marketer của BrainMark Vietnam. Marketer được thuê là những người chuyên nghiệp, đã có nhiều kinh nghiệm cả thực tế và lý thuyết qua quá trình làm việc cho những công ty lớn. Các Marketer cho thuê này sẽ vừa làm Marketing cho doanh nghiệp vừa xây dựng quy trình đào tạo đội ngũ Marketing cho từng doanh nghiệp ấy. BrainMark có cam kết bảo mật và những nguyên tắc đạo đức riêng, do đó làm cho nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này rất an tâm.

Chia sẻ thêm với chúng tôi về các anh em ở BrainMark, anh Tân cho biết lúc đầu nhóm của anh là những giám đốc marketing chơi thân với nhau, rồi các mối quan hệ bắc cầu để dần hình thành một nhóm “hùng hậu”. Phương châm hoạt động của BrainMark là “Cộng trí tuệ, vượt tầm cao” nên từ những ngày đầu tiên thành lập, BrainMark Vietnam đã thiết lập và kết nối một đội ngũ tư vấn được khách hàng tin yêu và đánh giá cao khả năng ứng dụng và kinh nghiệm nghề nghiệp. “Chúng tôi có thể phân công việc rất hiệu quả mà không phải đụng chạm đến “cái tôi” của mỗi người khi thay phiên nhau làm Leader vói từng project thích hợp với sở trường của từng người” anh Tân nói. Ở BrainMark, ngoài người lãnh đạo cao nhất, mọi người luân phiên lãnh đạo lẫn nhau tùy từng dự án. Do vậy mọi người đều có cơ hội làm lãnh đạo và đều được làm nhân viên của nhau.

Đam mê chia sẻ

Dù bận rộn với các dự án tư vấn ứng dụng marketing của các doanh nghiệp đặt hàng với Nguyễn Thanh Tân, nhưng anh vẫn dành thời gian tham gia giảng dạy marketing tại các trường đại học của Tp.HCM và các chương trình đào tạo marketing ứng dụng cho chính công ty BrainMark Vietnam hợp tác mở ra. Khi hỏi anh vì sao anh phải làm nhiều như vậy anh nói rất rõ quan điểm của mình, “tôi đam mê chia sẻ”, anh nói rằng trước đây sau ngày tốt nghiệp đại học, để làm việc và hiểu marketing đúng nghĩa của nó anh phải mất thời gian khá dài, vì theo anh chỉ làm những dự án thực tiễn thì người marketing mới học được những gì mà không dạy ở trường đại học. Anh muốn đàn em của mình, những bạn trẻ yêu thích marketing, không phải mất nhiều thời gian như anh trước đây để tiếp cận thực tiễn, do vậy những khóa học anh thiết kế mang tính ứng dụng cao. Theo anh Nguyễn Thanh Tân, người giảng viên sẽ phải tạo ra giá trị cho từng buổi học và giá trị đó học viên phải cảm nhận được, đơn giản là học viên phải có gì đó sau mỗi buổi học để “bỏ túi” mang về và có giá trị ứng dụng. Học viên của anh khá đa dạng, những bạn sinh viên năm cuối các trường kinh tế, những bạn trẻ mới đi làm marketing những năm đầu tiên muốn nghe những tình huống thực tiễn, những chủ doanh nghiệp nhỏ muốn làm marketing cho doanh nghiệp mình… tất cả được chia nhóm và học theo từng tình huống đang diễn ra tại Việt Nam.

Anh Nguyễn Thanh Tân đến với đào tạo còn một lý do khác, khi anh và nhóm tư vấn dự án đi tìm nhân sự đỏ mắt vẫn không đủ người tham gia thực hiện dự án cùng doanh nghiệp. Anh còn nhớ khi nhận tư vấn dự án cho một công ty trong ngành thực phẩm, sau khi thống nhất được chiến lược với chủ thương hiệu, đến lúc phải triển khai thực hiện, lúc đó doanh nghiệp không có người đủ khả năng thực hiện, cần phải tuyển dụng nguồn nhân lực mới, tuyển người hoài không có người như mong muốn, anh phải đến trường đại học tuyển trực tiếp và huấn luyện hàng ngày… để phục vụ công việc tại doanh nghiệp khách hàng. Từ những lần như vậy anh quyết định mở rộng sang lĩnh vực đào tạo, một mặt BrainMark hỗ trợ được kiến thức cho học viên, một mặt đầu ra của đào tạo sẽ giúp anh và các công ty tìm được người làm việc thực tiễn nhằm giảm chi phí tái đào tạo tại doanh nghiệp. Đến nay nguồn học viên tốt nghiệp từ khóa học do anh thiết kế đã có việc làm ổn định ở nhiều công ty lớn, gặp lại họ anh tự hào lắm vì mình đã làm một điều gì đó cho cộng đồng.

Chia sẻ quan điểm với doanh nghiệp

Có người biết đến Nguyễn Thanh Tân như một giám đốc marketing chuyên nghiệp rồi một giám đốc điều hành, một giảng viên, nhưng các chủ doanh nghiệp thường biết đến anh là Trưởng Ban Thương Hiệu CLB Doanh Nhân Sài Gòn. Anh là người chịu khó chia sẽ những tình huống khó khăn về thị trường mà các doanh nghiệp thường gặp phải, anh thường nói chuyện với doanh nghiệp để chia sẻ với họ về quan điểm điều hành khối kinh doanh tiếp thị, quan điểm đầu tư thương hiệu trong giai đoạn hiện nay,… Theo anh nếu đã là lãnh đạo doanh nghiệp, thì sếp cần có tư duy đúng về thương hiệu. Chủ thương hiệu cần có tư duy đổi mới để tạo sức sống mới cho thương hiệu của mình, vì bản chất của người tiêu dùng là không trung thành và dễ bị lãng quên. Trong quá trình làm marketing hay kinh doanh, nên thiết lập mối quan hệ với cộng đồng chung quanh, phải biết đối thoại với từng đối tượng cho phù hợp, đặc biệt là giới truyền thông. Sự ủng hộ của truyền thông là một bệ phóng rất mạnh cho thương hiệu. Nếu không có truyền thông, Marketing đã giảm sức lan toả đi một nửa. Đồng thời PR là giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp nội địa trong điều kiện ngân sách đầu tư cho Marketing thấp. Cho nên doanh nghiệp nên biết cách thu hút sự ủng hộ của báo chí trong xây dựng hình ảnh, thương hiệu. Nhưng để được giới truyền thông ủng hộ, doanh nghiệp phải làm đúng, làm tốt và làm từ tâm. Trước hết bạn phải nói thực và làm thực. Theo Nguyễn Thanh Tân, làm Marketing chỉ có hai việc, là biết hứa và biết làm. Hứa là một điều không dễ. Đối với một Marketer, hứa còn phải có… kỹ thuật sáng tạo. Hứa sao cho hấp dẫn và khiến người ta tin rằng doanh nghiệp có thể thực hiện được lời hứa đó. Truyền thông sẽ mang giúp lời hứa của bạn đến người tiêu dùng. Tiếp theo là làm, thể hiện những gì bạn đã hứa. Đây là lúc bạn làm cho thương hiệu của mình có sức sống trong lòng người tiêu dùng. Nếu hứa hay mà không làm được, sẽ là một cách nhanh nhất đánh mất lòng tin của khách hàng, rất nguy hiểm cho thương hiệu. Vì vậy doanh nghiệp hãy cởi mở với giới truyền thông nếu muốn họ ủng hộ mình. Sẽ là bất lợi lớn nếu e ngại báo chí. Vì như thế, bạn đã khước từ nhịp cầu quảng bá hữu hiệu cho mình, anh Tân chia sẻ quan điểm như vậy.

Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, chưa từng xây dựng thương hiệu, thường đặt câu hỏi rằng “xây dựng thương hiệu bắt đầu từ đâu?”. Câu trả lời của Nguyễn Thanh Tân là hãy bắt đầu từ ước mơ và hoài bão của người chủ doanh nghiệp. Đây là điều tối quan trọng, bởi nó sẽ tạo ra một hành lang, lộ trình để doanh nghiệp đi tiếp trong cái nhìn dài hạn. Nếu không có tư duy ấy, dù có một đội Marketer cực giỏi đi chăng nữa, cũng không làm được gì. Và điều may mắn cho những Marketer giỏi là được làm việc với một chủ doanh nghiệp có khao khát và tư duy xây dựng thương hiệu. Nhưng ngược lại, dù ông chủ có tầm nhìn sâu rộng, khao khát cháy bỏng đến đâu, mà không có Marketer giỏi cũng sẽ không làm được gì. Đây là hai yếu tố quyết định sự thành công trong Marketing và xây dựng thương hiệu. Cái lớn nhất mà các doanh nghiệp VN đang thiếu là “không rõ với chính mình” hoặc nôm na mà nói là chưa hiểu chính mình. “Rất nhiều doanh nghiệp chúng tôi đến chưa có sứ mạng, chưa có tầm nhìn, chưa biết thương hiệu mình mong muốn sẽ như thế nào… Tiếp theo là thiếu tiền và thiếu tư duy sử dụng tiền hiệu quả. Rồi thiếu con đường cho thương hiệu, rồi thiếu đội ngũ… nói chung thiếu nhiều thứ lắm. Nói thế thôi chứ trên đời này không bao giờ đủ cho bất cứ điều gì. Do vậy chúng tôi sẽ nhận nhiệm vụ cho khách hàng của mình biết họ đang cần phải có những gì cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, anh Tân chia sẻ. Khi đề cập đến vấn đề này anh nói thêm rằng, nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa có tư duy đúng về thương hiệu nên thường nghĩ rằng làm thương hiệu phải có nhiều tiền, chúng tôi thường chia sẻ điều này trên các diễn đàn dành cho doanh nhân: đề nghị các doanh nghiệp nên hiểu đúng về khái niệm xây dựng thương hiệu, từ đó sẽ hiểu rằng xây dựng thương hiệu không phải là chuyện quá xa vời của những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Câu chuyện về Nguyễn Thanh Tân, một người luôn dành thời gian và công sức của mình cho việc phát triển đội ngũ marketing chuyên nghiệp cho doanh nghiệp, anh yêu marketing, anh mong muốn đào tạo thật nhiều nhân lực marketing chuyên nghiệp, mở một trung tâm nghiên cứu ứng dụng marketing hiện đại tại việt Nam nhằm tiếp tục sứ mạng của mình: “hỗ trợ doanh nghiệp việt nam đi tìm tâm trí của người tiêu dùng một cách hiệu quả”.

HỒNG LAI

Chương trình Người Đương Thời