PHƯƠNG PHÁP SÀNG LỌC ỨNG VIÊN HIỆN ĐẠI 

Sàng lọc ứng viên là một trong những bước quan trọng của quy trình tuyển dụng, đồng thời, đây cũng là 1 công việc đầy gian nan với nhiều nhà tuyển dụng. 

Sau khi nhận được hồ sơ ứng tuyển (CV), nhà tuyển dụng phải “đối mặt” với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn CV. Tồi tệ hơn, có thể bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian cho những CV không có tiêu đề, không có thông tin rõ ràng hay không liên quan đến công việc cần tuyển. 

Vậy, phải làm sao để “sàng lọc” ứng viên nhanh mà lại không để “lọt lưới” những ứng viên tiềm năng. Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu 5 bước sàng lọc ứng viên hiệu quả. Bên cạnh đó, một vài mẹo nhỏ cùng những lời khuyên hữu ích được tiết lộ bên dưới sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều đấy. 

5 bước sàng lọc ứng viên

Bước 1: Có tiêu chí sàng lọc cụ thể, rõ ràng  

Trước hết, nhà tuyển dụng cần biết “mình muốn gì?”. Đừng mãi chăm chăm đi tìm hồ sơ “khủng nhất”, hãy tìm hồ sơ “phù hợp nhất” với vị trí bạn cần tìm. 

Giống như Bill Humbert, Nhà sách lập của Recruiter Guy (Sàng lọc 200 hồ sơ) làm: “Tôi thường dành khoảng 2-12 giây cho một sơ yếu lý lịch. Tôi để ý đến những thành tích và sự ảnh hưởng của họ đầu tiên”.

Bạn biết đó, tùy theo vị trí công việc mà các tiêu chí tuyển dụng có thể nhiều hoặc ít và có những điểm khác nhau. Một số tiêu chí mà nhà tuyển dụng có thể quan tâm bao gồm:

  • Kinh nghiệm làm việc.
  • Thành tích học tập và làm việc.
  • Bằng cấp, chứng chỉ.
  • Kỹ năng và kiến thức.
  • Một số tiêu chí đơn giản khác nhưng được áp dụng khá phổ biến như: Ngoại hình, giới tính, nơi sinh sống,…

Dựa vào công việc thực tế của vị trí cần tuyển dụng, xây dựng các tiêu chí đánh giá để bước đầu sàng lọc được diễn ra nhanh hơn. 

Bước 2: Loại hồ sơ không đáp ứng được yêu cầu cơ bản 

Bước này sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian nếu bạn lướt nhanh và “mạnh tay” loại bỏ những hồ sơ không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, chẳng hạn như: 

  • Không ghi rõ vị trí ứng tuyển,
  • CV trình bày “lôi thôi”,
  • Không đảm bảo các tiêu chí yêu cầu của vị trí cần tuyển
  • Nội dung CV không liên quan đến công việc bàn cần tuyển 

Nếu ứng viên thiếu sự chỉn chu trong những yêu cầu cơ bản thì sẽ rất khó để đi đến bước cuối cùng của quy trình tuyển dụng. 

Một mẹo nhỏ giúp bạn loại được nhiều ứng viên hơn mà không cần mất thời gian xem hồ sơ, đó là yêu cầu ứng viên cung cấp thông tin cần thiết trong tin đăng tuyển. Như Sara Sutton Fall, CEO của Flexjobs, (sàng lọc hơn 750 hồ sơ): “Tôi yêu cầu ứng viên phải cung cấp tất cả những thông tin được yêu cầu trong tin đăng tuyển, những người không làm theo yêu cầu sẽ không được xét tuyển. Điều bất ngờ là có rất nhiều ứng viên đã tự loại mình ra bằng cách này”.

Bước 3: Chọn hồ sơ đáp ứng tiêu chí đã đặt ra 

Có thể nói, bước 2 và bước 3 sẽ diễn ra cùng một lúc, tức là nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn hồ sơ “đi tiếp” hay “bị loại”. 

Nếu những hồ sơ không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản sẽ bị loại ngay, thì những hồ sơ đáp ứng được tiêu chí cơ bản (đã xây dựng ở bước 1) sẽ được chọn. 

Bước 4: Xem kỹ các ứng viên ưu tú 

Sau bước thứ 3, nhóm hồ sơ được lựa chọn “đi tiếp” sẽ được xem kỹ hơn. Ở bước này, nhà tuyển dụng cần dành nhiều thời gian xem xét để tìm được ứng viên tiềm năng. 

Đối với các tiêu chí đã xây dựng, bạn nên đặt mức độ ưu tiên cho các tiêu chí, từ đây việc chọn ứng viên cũng dễ dàng hơn. Các tiêu chí ưu tiên có thể là các kỹ năng nâng cao, các kỹ năng khuyến khích để phục vụ cho công việc. Hoặc tiêu chí ưu tiên cũng có thể là thành tích nổi bật trong công việc. Các tiêu chí ưu tiên giúp bạn có sự so sánh hơn giữa các ứng viên để lựa chọn được ứng viên phù hợp, tiềm năng nhất.

Bước 5: Đề nghị ứng viên cung cấp thêm thông tin 

Hồ sơ xin việc chắc chắn sẽ không thể hiện hết 100% những thông tin quan trọng về ứng viên. Vì vậy, nếu có thắc mắc về ứng viên, nhà tuyển dụng có thể liên hệ qua điện thoại để trao đổi trực tiếp, yêu cầu ứng viên cung cấp thêm thông tin để có cơ sở đánh giá chính xác, khách quan và toàn diện hơn.

Trên đây là 5 bước sàng lọc ứng viên phổ biến được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Bên cạnh đó, trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp lớn có thêm nhiều bước “sàng lọc” hiệu quả hơn, như là: làm khảo sát hay làm bài test. 

Chính vì vậy, tùy vào quy mô công ty hay vị trí tuyển dụng mà các bước này có thể nhiều hơn hoặc ít hơn. Các nhà tuyển dụng cần linh hoạt và kiên nhẫn với việc sàng lọc ứng viên này.